QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001;
Căn cứ Luật Căn cước công dân năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân,
Nghị định này quy định chi tiết một số điều về việc kết nối, thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác, chỉnh sửa, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cấu trúc số định danh cá nhân, trình tự, thủ tục cấp, hủy số định danh cá nhân; cấp, đổi, cấp lại, thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Công dân Việt Nam; trường hợp công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài thì do văn bản quy phạm pháp luật khác quy định.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
XÂY DỰNG, THU THẬP, CẬP NHẬT, CHỈNH SỬA, KẾT NỐI, CHIA SẺ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
Điều 3. Xây dựng hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đầu tư, xây dựng tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an xã, phường, thị trấn.
Điều 4. Nguồn thông tin, yêu cầu, thứ tự thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ các nguồn sau:
a) Sổ sách quản lý về hộ khẩu, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân;
b) Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu hộ tịch;
c) Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác;
d) Thu thập từ công dân.
2. Việc thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Các thông tin về công dân chỉ được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi được kiểm tra thông tin đó là chính xác.
b) Trường hợp thông tin về công dân được thu thập, cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin thì khi thu thập, cập nhật thông tin về công dân, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin.
3. Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo thứ tự sau đây:
a) Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từsổ sách quản lý về hộ khẩu, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
b) Trường hợp sổ sách quản lý về hộ khẩu, tàng thư và các cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a Khoản này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì thu thập, cập nhật từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
c) Trường hợp không thu thập, cập nhật được thông tin về công dân theo quy định tại điểm a, b Khoản này thì thu thập, cập nhật từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác hoặc từ công dân.
4. Cơ quan quản lý sổ sách về hộ khẩu, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin về công dân
1. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin về công dân từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
2. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh) có trách nhiệm xử lý, chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư tại địa phương để thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin về công dân cư trú tại địa phương từ tàng thư căn cước công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) có trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin về công dân cư trú tại địa phương từ sổ sách quản lý về hộ khẩu, tàng thư hồ sơ hộ khẩu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) có trách nhiệm tổ chức thu thập dữ liệu về công dân cư trú trên địa bàn quản lý.
Điều 6. Chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là việc điều chỉnh thông tin của công dân khi có sự sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật thông tin về công dân.
2. Việc chỉnh sửa thông tin về công dân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chỉ chỉnh sửa thông tin về công dân khi phát hiện có sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật thông tin về công dân.
b) Phải có căn cứ pháp lý để thực hiện việc chỉnh sửa thông tin về công dân. Cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa thông tin về công dân có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của các thông tin trước khi chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
c) Chỉ người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này mới được cho phép chỉnh sửa thông tin về công dân.
3. Thủ trưởng cơ quan thu thập, cập nhật thông tin về công dân quy định tại Điều 5 Nghị định này quyết định chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chịu trách nhiệm về việc chỉnh sửa đó. Việc chỉnh sửa thông tin về công dân phải được thông báo bằng văn bản cho công dân biết ngay sau khi chỉnh sửa.
4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể quy trình chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 7. Kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính để thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân.
2. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nếu đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Có cơ sở hạ tầng thông tin để kết nối;
b) Đáp ứng tiêu chuẩn kết nối theo quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Thủ tục kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
Khi có yêu cầu kết nối, thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành có văn bản đề nghị được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an căn cứ vào điều kiện kết nối quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Điều 8. Chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ chia sẻ các thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Thủ tục chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành như sau:
a) Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành gửi văn bản đề nghị được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tới cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an, trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phạm vi, mục đích, nội dung thông tin, số lượng trường thông tin cần chia sẻ.
b) Khi nhận được văn bản của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an quyết định việc chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Điều 9. Hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thông qua các hình thức sau:
a) Kết nối mạng máy tính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
b) Qua cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định;
c) Văn bản yêu cầu.
3. Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua phiếu yêu cầu khai thác thông tin.
4. Các tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Điều 10 Nghị định này và thông qua các hình thức sau:
a) Văn bản yêu cầu;
b) Hợp đồng dịch vụ.
Điều 10. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc.
Điều 11. Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
a) Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
b) Các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và 4 Điều 9 Nghị định này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có văn bản yêu cầu gửi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thẩm quyền quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
c) Công dân có nhu cầu khai thác thông tin về bản thân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi phiếu yêu cầu khai thác thông tin và xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho Công an cấp huyện nơi thường trú hoặc tạm trú.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, Công an cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân.
2. Bộ Công an quy định chi tiết quy trình khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 12. Sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Sao lưu là nhiệm vụ của cơ quan quản lý để bảo đảm tính nguyên vẹn của dữ liệu dân cư trên hệ thống.
2. Dữ liệu quốc gia về dân cư được sao lưu định kỳ tại cơ quan quản lý dữ liệu Bộ Công an và lưu trữ dự phòng tại trung tâm sao lưu dự phòng.
3. Phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư là quá trình khôi phục lại dữ liệu về thời điểm dữ liệu trước khi bị lỗi, hư hỏng hoặc điều chỉnh không đúng quy định.
4. Dữ liệu quốc gia về dân cư được phục hồi khi dữ liệu bị thiên tai phá hủy, tấn công mạng, truy nhập trái phép.
CẤU TRÚC, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, HỦY SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN
Điều 13. Cấu trúc số định danh cá nhân
1. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, thể hiện mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, thế kỷ sinh và năm sinh của công dân.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
Điều 14. Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh
1. Trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký khai sinh có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó phải thu thập các thông tin sau đây để sinh số định danh cá nhân:
a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
b) Ngày, tháng, năm sinh;
c) Giới tính;
d) Nơi đăng ký khai sinh;
đ) Quê quán;
e) Dân tộc;
g) Quốc tịch;
h) Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan đăng ký khai sinh.
2. Trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh của công dân, cơ quan đăng ký khai sinh chuyển các thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm cấp số định danh cá nhân.
Điều 15. Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú
1. Công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm thu thập, chuyển các thông tin về công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật căn cước công dân cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an; trong đó ít nhất phải có các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này và các thông tin dưới đây để sinh số định danh cá nhân:
a) Nơi thường trú.
b) Họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ.
2. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển số định danh cá nhân cho cơ quan cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Điều 16. Hủy số định danh cá nhân đã cấp
1. Khi phát hiện việc cấp số định danh cá nhân trái quy định hoặc có sai sót, thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an ra quyết định hủy số định danh cá nhân đã cấp và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân.
2. Người được cấp số định danh cá nhân mà bị hủy thì được cấp số định danh cá nhân mới theo quy định của pháp luật.
SAO LƯU, PHỤC HỒI DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VÀ QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
Điều 17. Sao lưu, phục hồi dữ liệu căn cước công dân
1. Sao lưu dữ liệu căn cước công dân
a) Tại Bộ Công an: Dữ liệu căn cước công dân được sao lưu tại cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an và lưu trữ dự phòng tại trung tâm sao lưu dự phòng;
b) Tại Công an cấp tỉnh: Dữ liệu căn cước công dân được thiết lập sao lưu tự động hoặc do cán bộ thực hiện và được sao lưu định kỳ, hàng ngày trên hệ thống máy trạm, máy chủ.
2. Phục hồi dữ liệu căn cước công dân
a) Việc phục hồi dữ liệu căn cước công dân sẽ được thực hiện khi có sự cố xảy ra.
b) Các thiết bị lưu trữ dữ liệu căn cước công dân bị lỗi, hư hỏng khi giao cho tổ chức, cá nhân bảo hành, sửa chữa phải có cán bộ chuyên môn trong ngành Công an giám sát và được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh; khi thay thế thiết bị lưu trữ phải giữ lại thiết bị cũ để quản lý.
Điều 18. Người được cấp thẻ Căn cước công dân
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân. Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó.
Điều 19. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Công dân có thể làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện, cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh, cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an.
2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào điều kiện, cơ sở vật chất thực tế để quy định đối tượng cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an, cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh, cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện.
Điều 20. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân
1. Thu hồi thẻ Căn cước công dân:
a) Cơ quan quản lý căn cước công dân các cấp có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật căn cước công dân sau khi nhận được thông báo về việc công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và chuyển về tàng thư căn cước công dân;
b) Việc thu hồi thẻ Căn cước công dân phải được lập biên bản, giao cho người bị thu hồi thẻ một bản và có sổ sách theo dõi; thẻ Căn cước công dân bị thu hồi được bảo quản và lưu giữ chung cùng hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại tàng thư căn cước công dân.
2. Tạm giữ thẻ Căn cước công dân:
a) Thủ trưởng cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định việc tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật căn cước công dân;
b) Việc tạm giữ thẻ Căn cước công dân phải lập thành biên bản, giao cho người bị tạm giữ thẻ một bản và có sổ sách theo dõi;
c) Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc trả lại thẻ phải lập thành biên bản và giao cho người nhận lại thẻ một bản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
1. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.