Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến việc vay mượn giữa bà Đặng Thị Lâm với bà Nguyễn Thị Kim Oanh và ông Mai Công Ích, sau khi đã thỏa thuận được với bà Lâm cùng bà Oanh, ông Ích đã đóng tiền vào cơ quan thi hành án để mua lại tài sản của bà Lâm là nhà đất tại số 10 Kim Mã (nay là số 194 Kim Mã). Sau khi đã mua, trực tiếp quản lý và sử dụng liên tục hơn một thập kỷ, bất ngờ ngày 11/8/2009 Cục THADS TP Hà Nội ra Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS về việc thi hành án theo đơn yêu cầu theo đó, buộc bà Lâm phải trả tiền cho ông Ích và chủ nợ khác là bà Nguyễn Thị Kim Oanh theo đúng bản án, quyết định đồng thời tiếp tục kê biên diện tích 20m2 nhà đất tại số 194 phố Kim Mã để đảm bảo thi hành án của bà Lâm.
Đánh giá về việc ban hành hai Quyết định trên, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng việc ban hành các Quyết định nêu trên của Cục THADS TP Hà Nội là hoàn toàn trái quy định pháp luật, cụ thể:
“Thứ nhất, việc ban hành hai Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS đã dẫn tới tình trạng có tới hai cơ quan thi hành án tổ chức thi hành một bản án của tòa án cho cùng một nghĩa vụ thi hành án:
Theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 35 Luật THADS năm 2008 thì Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành: “Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành”. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa có quy định rõ thế nào là trường hợp “thấy cần thiết lấy lên để thi hành”. Chính điều đó đã dẫn đến hiện tượng tuỳ tiện của cơ quan thi hành án cấp trên đối với các việc thi hành án của cơ quan cấp dưới.
Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.
Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Cụ thể trong vụ việc này, Đội THADS quận Ba Đình đã ban hành Quyết định về việc thi hành án số 214/THA và tổ chức thi hành án từ năm 1998, ông Ích đã thanh toán đủ tiền mua nhà từ 18 năm trước vào tài khoản của cơ quan thi hành án Ba Đình, các đương sự không có ai khiếu nại về kết quả thi hành án này, gia đình ông Ích đã quản lý sử dụng nhà đất hơn một thập kỷ, do đó quá trình thi hành án đương nhiên đã hoàn tất. Vậy đây có phải là trường hợp “thấy cần thiết lấy lên để thi hành” hay không?
Vậy nhưng không cần đến các căn cứ pháp lý cũng như không cần xem xét đến thực trạng thi hành án, Cục THADS TP Hà Nội vẫn tuỳ tiện rút hồ sơ thi hành án của cơ quan THADS quận Ba Đình lên để cố tình thi hành án một cách không có căn cứ, trái pháp luật đã dẫn đến việc cùng một vụ việc nhưng có tới hai quyết định thi hành án của hai cấp khác nhau, gây mâu thuẫn trong việc áp dụng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của người đã mua và đang sử dụng hợp pháp tài sản đó là gia đình ông Ích.
Thứ hai, Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS được ban hành trong khi quyết định thi hành án theo yêu cầu số 214/THA trước đây của Đội THADS quận Ba Đình chưa bị hủy bỏ là trái với các quy định pháp luật:
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 02/5/1998, bà Oanh có Đơn yêu cầu thi hành án và Trưởng THADS quận Ba Đình đã ra Quyết định thi hành án số 214/THA về việc thi hành án. Sau đó, ngày 16/01/1999, các bên có thỏa thuận về việc ông Ích sẽ mua lại căn nhà số 10 Kim Mã. Kể từ khi có bản thỏa thuận đến nay, theo ông Ích cho biết thì không có bất cứ văn bản nào về việc hủy bỏ Quyết định thi hành án số 214/THA.
Mặt khác, xét về căn cứ để hủy bỏ quyết định thi hành án thì tại khoản 3 Điều 37 Luật THADS 2008 quy định như sau:
“3. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định huỷ hoặc yêu cầu huỷ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:
a) Phát hiện các trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;
b) Quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.”.
Trong vụ việc này, suốt quá trình thi hành án chỉ có Công văn số 303-KSTHA ngày 08/10/1999 của VKSND quận Ba Đình nhận định: “Việc thi hành án quận Ba Đình thực hiện không đúng nội dung quyết định Bản án, vi phạm trình tự thủ tục thi hành án”. Tuy nhiên, có thể thấy rõ Công văn 303-KSTHA không phải là kết luận của cơ quan có thẩm quyền về Quyết định thi hành án có vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 1992 và Thông tư liên ngành số 981/TTLN ngày 21/9/1993 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp lệnh THADS thì khi thực hiện việc kiểm sát trong thi hành án, VKSND phải “Kháng nghị với Toà án, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thi hành án, nếu có vi phạm pháp luật; kháng nghị các quyết định thi hành án trái pháp luật”.
Hai quyết định thi hành án theo yêu cầu được Cục thi hành án TP Hà Nội ban hành sau 10 năm khi người dân đã nộp tiền vào cơ quan thi hành án, xây nhà và sinh sống ổn định.
Như vậy, nếu phát hiện có sai phạm trong quá trình thi hành án nhà 194 Kim Mã, VKSND quận Ba Đình phải kháng nghị với cơ quan có thẩm quyền, sau đó kết quả giải quyết của cơ quan này mới là kết luận cuối cùng về việc xác định có hay không vi phạm pháp luật trong quyết định thi hành án, từ đó mới có căn cứ để huỷ bỏ kết quả thi hành án. Do đó, Công văn 303-KSTHA không phải là Kháng nghị nên hoàn toàn không phải là căn cứ để hủy bỏ quyết định thi hành án số 214/THA của THADS quận Ba Đình.
Vì chưa có văn bản về việc hủy bỏ Quyết định thi hành án số 214/THA của Đội THADS quận Ba Đình nên không có cơ sở để tiếp tục ban hành Quyết định số 1185 và 1187 về việc thi hành án theo yêu cầu. Hành vi này của Cục THADS TP Hà Nội rõ ràng là trái quy định pháp luật, xâm phạm đến tự tuân thủ pháp luật của chính cơ quan này trong quá trình thực hiện các công việc được Nhà nước phân công.
Thứ ba, hai quyết định thi hành án trên được ban hành mà không hề dựa trên Đơn yêu cầu thi hành án từ phía các đương sự:
Xét thời điểm ban hành hai quyết định thi hành án trên là năm 2009 thì tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS năm 2008 quy định như sau: “Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 30 Luật THADS năm 2008 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Điều này có nghĩa là trong vòng 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, người được thi hành án hoặc người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án.
Xét trong vụ việc này, kể từ khi có Quyết định thi hành án số 214/THA và Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999, ông Ích, bà Oanh và các đương sự khác đều không có bất cứ đơn từ nào yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành án lại đối với bản án, quyết định của Tòa án. Mặt khác cho tới thời điểm Cục THADS TP Hà Nội ban hành quyết định số 1185 và Quyết định số 1187 thì đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với các quyết định và Bản án của TAND quận Ba Đình, TAND TP Hà Nội năm 1998.
Trong khi đó, tại hai Quyết định thi hành án trên lại ghi rõ đây là Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu để thi hành khoản nợ của bà Lâm với ông Ích và bà Oanh. Vậy các quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu trên là căn cứ theo yêu cầu của ai? Đây là vấn đề cần được xem xét lại để đánh giá tính hợp pháp của hai quyết định thi hành án trên.
Rõ ràng, việc “thấy cần thiết lấy lên để thi hành án” và việc ban hành hai quyết định thi hành án của Cục THADS TP Hà Nội trong khi quyết định về việc thi hành án của Đội THADS quận Ba Đình năm 1998 chưa bị hủy bỏ, sửa đổi, thay thế dẫn tới việc có tới hai cấp cùng ban hành Quyết định thi hành án trong cùng một vụ việc là trái với quy định pháp luật. Quyết định về việc thi hành án liên quan tới căn nhà 194 Kim Mã đã hoàn thành xong từ lâu, không xâm phạm tới quyền lợi của các đương sự, các đương sự trong vụ việc cũng không có bất cứ ai có yêu cầu, đề nghị thi hành án lại. Vậy Cục THADS TP Hà Nội có cần thiết phải ban hành Quyết định thi hành án để kê biên, bán đấu giá lại tài sản? Liệu có cần thiết phải hủy Quyết định về việc thi hành án từ năm 1998? Gia đình ông Ích và dư luận vẫn đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Anh Thế
(Theo dantri.com.vn)